Thị trường điện thoại luôn năng động, muốn thu hút người tiêu dùng là điều khá khó cho những nhà sản xuất mới. Vậy lý do gì khiến tôi chọn sản phẩm của bạn?
Thứ nhất là tên nhà sản xuất. Khi cầm trên tay một chiếc iPhone, có thể nói cả thế giới biết nó và có khi phân biệt từng phiên bản. Hay là cứ nhắc đến Nokia là ai cũng nhớ đến những sản phẩm "nồi đồng cối đá" mà không phải là nhà sản xuất khác. Các điện thoại đến từ Việt Nam đã có đặc điểm nổi bật nào chưa hay vẫn loay hoay như hàng nghìn kiểu điện thoại không tên tuổi?
Thứ hai là thiết kế. Khi tôi vào cửa hàng Thế Giới Di Động, hầu như không một hãng điện thoại Việt nào làm tôi thấy sự mới lạ, như thể đợi các nhà sản xuất nổi tiếng làm gì thì điều chỉnh cấu hình rồi kiểu dáng bên ngoài y vậy, có chăng là đưa cái tên của mình vào. Thay vào đó, sao không làm hình thoi thay vì hình vuông, có thêm mấy nút "bá đạo" cho những chức năng riêng... ai mà không muốn trải nghiệm cái mới.
|
Hai mẫu smartphone Việt gây chú ý thời gian qua. Ảnh: Tuấn Anh.
|
Thứ ba là chất lượng sản phẩm. Smartphone rẻ tiền đã dần thay thế điện thoại thường nên các nhà sản xuất đã dần đưa những chức năng như chống va đập, độ bền cao… để smartphone giá rẻ có khả năng cạnh tranh với feature phone. Vậy smartphone Việt thì thế nào hay rơi cái là "đi" luôn? Hay hết hạn bảo hành là "hành" người dùng? Tôi không có ý nói tất cả đều vậy, nhưng chỉ một người sử dụng không hài lòng có thể kéo theo rất nhiều người thân, bạn bè của họ cũng nghĩ như vậy.
Thứ tư là giá bán. Đời sống ngày càng cao khiến khả năng mua smartphone tầm trung và cao cấp cũng tăng lên. Nhưng khi một nhà sản xuất Việt ra sản phẩm có giá cao ngang Sony, HTC, Samsung hay Apple thì liệu có thể cạnh tranh không? Hay cho ra đời một sản phẩm rẻ tiền nhưng không cạnh tranh lại với Microsoft (Nokia) thì làm sao giúp smartphone Việt tới với người dùng.
Thứ năm là chính sách quảng bá. Qua sự kiện Bphone các bạn thấy gì? Tôi thấy nhiều bạn ví nó là một cuộc tập trận, "bom nổ" nhiều mà không chết ai. Đừng tuyên bố mình giỏi hay tài ba. Anh công nhân không quan tâm, bác tài xế không hứng thú với điều đó. Thứ họ cần là khi cầm sản phẩm của bạn, họ dùng như thế nào, chức năng nào cần và cái bạn nói có thật hay không?
Cuối cùng là sự sự quan tâm, chăm sóc khách hàng. Điện thoại Việt đã sẵng sàng chấp nhận những cái sai, cái lỗi của mình chưa? Hay phải đợi xã hội chỉ ra rồi mới xin lỗi. Lúc đó bạn đã khiến nhiều người mất lòng tin rồi.
Tuy không thích smartphone Việt, tôi rất mong tương lai con cháu sẽ không như tôi và chúng nó sẽ khoe về những chiếc điện thoại Việt với sự tự hào khi cầm trên tay. Chúc smartphone Việt luôn phát triển và thành công.
Nguyễn Nhạc (vnexpress)